• (84) 243 822 0653
  • inventio@inventio.com.vn

Để tránh nhầm lẫn thương hiệu với SCB, Sacombank ra thông báo đính chính

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa phát đi thông cáo báo chí về tên gọi để tránh nhầm lẫn cho khách hàng, trước hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn sau một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội về Ngân hàng SCB.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB) vừa ra thông báo về việc tên gọi của ngân hàng, tránh cho khách hàng nhầm lẫn.

Cụ thể, theo thông báo của Ngân hàng Sacombank hiện trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.

“Để tránh nhầm lẫn, khách hàng, cổ đông, đối tác vui lòng lưu ý Sacombank và SCB là hai ngân hàng khác nhau”, Sacombank thông báo.

Ngân hàng Sacombank vừa phát đi thông cáo báo chí về tên gọi để tránh nhầm lẫn cho khách hàng.

Sacombank thông tin rõ tên đầy đủ của ngân hàng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, có tên giao dịch là Sacombank và mã cổ phiếu là STB.

Trước đó, bên cạnh các thông tin một số người dân xếp hàng rút tiền trước hạn tại SCB, cũng có thông tin một số người dân xếp hàng trước cửa Ngân hàng Sacombank chờ giao dịch. Do đó, Sacombank đã phát đi thông báo khẳng định Sacombank và SCB là hai ngân hàng khác nhau, nhằm tránh gây nhầm lẫn với khách hàng, nhà đầu tư và đối tác.

Theo tìm hiểu, nhóm tên ngân hàng có chữ Sài Gòn gồm 4 ngân hàng: Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Sài Gòn (SCB), Sài Gòn Công Thương (SaigonBank), Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Nhiều người thường nhầm SCB là viết tắt của Sacombank, nhưng thực chất đây là hai ngân hàng khác nhau. SCB là tên viết tắt của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, còn Sacombank là tên thanh toán giao dịch của Ngân hàng TMCP Thương Tín, được viết tắt STB.

Khách hàng Ngân hàng SCB xếp hàng rút tiền sau các thông tin tiêu cực liên quan đến Ngân hàng SCB bùng nổ trên mạng xã hội.

Vào sáng 8/10, Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi thông báo khuyến cáo người dân không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi.

Cụ thể, thông cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu: “Ngày 7/10/2022, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.

Về việc này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền”.

Chiều 8/10, tại Trung tâm Báo chí TP HCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), sau vụ việc bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) và một số người liên quan bị cơ quan chức năng khởi tố bắt tạm vì có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Ông Võ Minh Tuấn – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM khẳng định tài sản người dân gửi tại SCB cũng như các ngân hàng khác đều được bảo đảm, người dân không nên hoang mang, đi rút trước hạn sẽ ảnh hưởng quyền lợi của mình. Vì nếu rút trước sẽ nhận lãi không kỳ hạn sẽ rất thấp (chỉ 0,2 – 1%/năm), trong khi nếu gửi có kỳ hạn thì từ 7%-8%/năm.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng cho biết đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn phải cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh theo cơ chế thị trường, bình đẳng trong việc huy động vốn. Nếu có cạnh tranh không lành mạnh, lôi kéo rút tiền tại SCB để gửi tiền vào ngân hàng khác sẽ bị cảnh báo, nhắc nhở ngay.

Thanh Thảo