Tọa đàm được tổ chức bởi Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club). Đây là diễn đàn để các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số, kinh tế số chia sẻ về xu hướng phát triển của nền kinh tế online, cơ hội và những thách thức cho các doanh nghiệp Việt khi bước ra sân chơi toàn cầu. Đây là dịp mà đại diện đến từ các cơ quan quản lý cùng lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp nội dung số với những cơ hội và thách thức trên môi trường số để từ đó kết nối các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và thị trường để có những cơ chế, chính sách dẫn dắt và thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.
Tại buổi tọa đàm, ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect cho biết Việt Nam có tốc độ phát triển người dùng Internet hàng đầu thế giới với 72 triệu người tham gia không gian mạng, 75% dân số. Năm 2021, GDP mảng này chiếm 8,2% của quốc gia. Dự báo đến 2025 có thể đạt đến 57 tỷ USD doanh thu và tăng gấp 3 lần trong năm 2021.
Sự phát triển này bộc lộ rõ nét ở tốc độ phát triển của các mạng xã hội, Facebook có hơn 70 triệu người tham gia, 60 triệu người xem Youtube và 40 triệu người xem Tiktok. Đây là con số rất lớn.
Các mảng chủ chốt của nền kinh tế số tại Đông Nam Á là thương mại chiếm tỉ trọng lớn, truyền thông, du lịch, dịch vụ vận chuyển hàng hoá (Grab)…đang phát triển mạnh. Xu hướng hiện nay cho thấy đến 2025 tốc độ phát triển tăng 2-3 lần so với các năm trước đây.
Đặc thù của truyền thông số trên nền tảng phát triển mạnh dẫn tới sự thay đổi về xu hướng khi các tổ chức đang có sự dịch chuyển chủ động kết nối để phục vụ khách hàng. Mỗi nhà sáng tạo trên Youtube đều có cơ hội, sẵn sàng xuất bản các nội dung số có thể có hàng triệu người xem. Người tham gia nền tảng Internet có thể trở thành người tiếp thị bán hàng một cách dễ dàng.
Từ các xu hướng này đã làm thay đổi các tư duy kinh tế, cho các nhà sản xuất, người tiêu dùng; thay đổi mô hình, phương thức kinh doanh, hành vi của người tiêu dùng. Doanh nghiệp tư nhân có động lực phát mạnh mẽ và thúc đẩy toàn cầu hoá. Việt Nam cũng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, cơ hội đến với các doanh nghiệp công nghệ số là rất lớn. Hiện, Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số trong đó Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực trẻ sáng tạo, thích nghi công nghệ cao…) tạo ra các giải pháp để các doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên ông Tạ Mạnh Hoàng cũng chỉ ra nhiều thách thức dành cho các doanh nghiệp trên môi trường số hiện nay. Theo ông, Việt Nam chưa có các chính sách, hoạt động cụ thể cho các doanh nghiệp nội dung số phát triển. Trước cơ hội của nền kinh tế số, Sconnect và các doanh nghiệp đã phải tự mày mò và có sự phát triển nổi bật, đáng tự hào. Tuy nhiên cũng gặp phải các trở ngại lớn và nó tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp mà sự tác động này trong nội tại doanh nghiệp rất khó có thể xử lý được.
CEO Sconnect cũng cho hay dù đã có hành lang pháp lý nhưng thực tế trên nền tảng Internet thì rất khó áp dụng cho các nền tảng xuyên biên giới. Thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng.
Khả năng áp dụng các quy định pháp luật hiện hành với các với các chủ thể nước ngoài còn có nhiều hạn chế dẫn đến những thiệt hại nhiều cho quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp gặp những rủi ro khi đối mặt với các cuộc tấn công trên không gian mạng; thiếu hụt nguồn nhân lực dành cho Internet đặc biệt là nguồn nhân sự chất lượng cao để vận hành các nền tảng online.
Hương Mi